Bài 1. GIAO TIẾP VỚI TRẺ TỰ KỶ
Giao tiếp: là quá trình gửi thông tin
Các loại giao tiếp: Giao bằng ngôn ngữ, giao tiếp phi ngôn ngữ (giao tiếp không lời): bằng cử chỉ điệu bộ, bằng tranh. Khi 2 người cùng làm điều gì và đáp ứng với nhau là giao tiếp 2 chiều. Giao tiếp là hướng đến người khác gồm: tập trung chú ý bằng nhìn, lắng nghe, chờ đợi; bắt chước; cùng chơi; hiểu lời nói, chữ viết, tranh ảnh, hành động, cử chỉ, nét mặt của người khác
Khả năng diễn đạt ngôn ngữ biểu hiện bằng chữ viết, ký hiệu, cử chỉ, nét mặt, hành động.
Khó khăn cơ bản trong giao tiếp của trẻ tự kỷ:
- Kém định hướng tới các kích thích xã hội, không chuyển sự chú ý giữa người và đồ vật, không chia sẻ cảm xúc tích cực, không lôi cuốn sự chú ý của người khác tới đồ vật.
- Không dùng điệu bộ, cử chỉ thông thường; không sử dụng ngôn ngữ mang tính giao tiếp; không hiểu nghĩa bóng của câu nói.
- Chậm nói, hiểu lời thường chậm
- Giảm sự chú ý đến xung quanh, chỉ chú ý tới những gì trẻ thích
- Tăng động : không ngồi yên, kém kiềm chế, đòi gì muốn có ngay
- Ảnh hưởng tới quá trình phát triển nhận thức của trẻ
- Khó khăn cho việc dạy trẻ học
- Làm giảm tương tác xã hội
- Gây ức chế tâm lý cho trẻ : sợ hãi, không thích nghi
- Trẻ có những hành vi kích động : chống đối, cơn hờn giận, la khóc…
Người dạy trẻ/người chăm sóc trẻ cần phải hiểu trẻ :
- Biết được khả năng nhận thức của trẻ để dạy trẻ phù hợp với mức độ phát triển
- Biết được mức độ phát triển giao tiếp của trẻ để chọn cách dạy thích hợp
- Biết trẻ thích gì : đồ ăn uống, đồ chơi, hoạt động nào trẻ thích để tạo ra nhu cầu giao tiếp.
- Trẻ tự kỷ thường có khả năng học bằng thị giác, trí nhớ thị giác không gian tốt, do vậy nên sử dụng công cụ bằng nhìn để dạy trẻ
Nguyên tắc trong dạy trẻ
- Nhắc lại - dạy trẻ một thứ phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần để trẻ có thể nhớ được hoặc làm thành thạo dần
- Luân phiên, đến lượt để trẻ biết có người có ta, biết tương tác với người khác
- Gợi ý để tạo điều kiện cho trẻ tham gia, thực hiện những gì ta mong muốn
- Giữ sự vui vẻ liên tục để gây hứng thú trẻ mới duy trì sự chú ý và muốn tiếp tục học và tương tác
- Áp dụng những nguyên tắc này trong những hoạt động sau:
+ Cùng luân phiên chơi đồ chơi với trẻ theo những cách khác nhau
+ Nối kết với những trò chơi có người: chơi ú òa, cù lét, trốn tìm, rượt bắt, nhong nhong cưỡi ngựa, đu tay…
+ Giúp trẻ hiểu những gì bạn nói: nói ít, nhấn mạnh, chậm và chỉ rõ.
+ Giao tiếp bằng tranh: sử dụng công cụ nhìn hỗ trợ - đó là hệ thống tranh, biểu tượng phản ánh thực tế: dùng để trẻ giao tiếp, làm theo lịch trình/ thứ tự các bước, thể hiện nhu cầu, cơ hội lựa chọn…
+ Dạy trẻ trong công việc hàng ngày: ăn uống, vệ sinh, cất lấy các thứ, việc nhà…
+ Sử dụng âm nhạc
+ Cùng xem sách, đọc sách
Tăng cường sự chú ý của trẻ tự kỷ
- Mặt đối mặt
- Gọi tên bé
- Tránh sao lãng
- Thu hút sự chú ý thông qua thị giác
- Đợi cho đến khi bé thể hiện là đã nghe thấy trước khi tiếp tục làm gì đó với bé
- Dùng các phương tiện nhìn
Bài 2. PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ CHO TRẺ TỰ KỶ
Các chiến lược giúp tăng cường việc hiểu lời nói
- Gọi tên con trước khi nói
- Nói rõ ràng, dứt khoát
- Dùng từ chủ yếu nhất và từ đơn giản
- Đưa ra từng chỉ dẫn một khi nói với con
- Cho trẻ thời gian để xử lí thông tin nghe được
- Sử dụng phương tiện thông qua thị giác
- Nói câu khẳng định, không nói câu phủ định khi yêu cầu
- Dùng từ “1,2,3 bắt đầu”, “tiếp ” để hiểu thứ tự. Dùng “kết thúc”, “xong rồi’ để hiểu sự kéo dài công việc.
- Nói các việc theo đúng trật tự việc đó sẽ diễn ra.
Cách phát triển nhận thức để trẻ hiểu tốt hơn
- Nói với trẻ câu ngắn, lời ít, nên nói nhấn mạnh từ chính
- Tránh sử dụng câu hỏi. Tạm dừng chờ đợ để trẻ xử lý thông tin.
- Sử dụng các hỗ trợ trực quan đi đôi với lời nói: các đồ vật, ảnh, cử chỉ, điệu bộ…
Các cách giúp trẻ tăng cường ngôn ngữ thể hiện
1. Hiểu cách trẻ TK giao tiếp
+ Lý do khóc, gào thét, cáu kỉnh…
+ Xem trẻ muốn gì? Trẻ thường đến gần vật trẻ thích
+ Cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, kéo tay người lớn khi muốn…
+ Trẻ chỉ nói các từ đơn, cụm từ, câu hoặc nhại lời, lặp lại.
2. Đáp ứng giao tiếp
+ Lập danh mục thứ trẻ thích và theo sự dẫn dắt của trẻ
+ Gọi tên những thứ trẻ muốn hoặc trẻ nhìn thấy.
+ Đưa cho trẻ ảnh, biểu tượng, ký hiệu cái mà trẻ muốn.
+ Cho trẻ cơ hội lựa chọn
+ Khen trẻ khi trẻ có bất kỳ một dấu hiệu giao tiếp
+ Tạo ra những cơ hội cho trẻ giao tiếp: đi học, chơi với trẻ khác
3. Các cách tăng cường luyện phát âm
Kéo căng cơ môi bằng cách bạnh mồm.
Tập liếm môi (bôi mật ong), tập mút kẹo…
Tập thổi bóng, bóng xà phòng, thổi còi, thổi nến...
Tập tặc lưỡi, bập môi, phun mưa, rung môi.
Tập ăn thức ăn cứng.
Tập phát âm các nguyên âm, phụ âm, từ dễ, gắn liền với đồ vật hoặc hình ảnh cụ thể.
Nếu đã nói được một từ thì tìm những nhóm từ giống nhau để tập phát âm.
4. Các cách giúp trẻ tăng cường bộc lộ ngôn ngữ
Dạy trực quan: dùng đồ vật, tranh hay hình vẽ và nói rõ khi đưa cho trẻ nhìn khen thưởng thành công để thúc đẩy sự tiến bộ
Dạy các cử chỉ điệu bộ trong giao tiếp.
Thực hành những điều người lớn nói với trẻ bằng tình huống chơi giả vờ Dạy trẻ chơi lần lượt: biết chờ đợi và lượt chơi
Hãy nói với trẻ điều chúng làm sai và dạy cách làm đúng.
Giao tiếp với trẻ tự kỷ có ngôn ngữ
Khoảng 50% trẻ có ngôn ngữ nhưng nhiều trẻ nói nhại từ, lặp lại câu hỏi khi lo lắng/căng thẳng do vậy người dạy trẻ phải trấn an, không thúc giục trẻ.
Trẻ nói âm điệu, ngữ điệu quá to hoặc quá nhỏ, phát âm đều đều, cứng nhắc thì không cho là trẻ cố tình
Nếu trẻ không hiểu điều người khác nói, cha mẹ yêu cầu trẻ làm gì thì phải viết ra giấy cho trẻ đọc hoặc dùng tranh làm rõ nghĩa.
Kho trẻ hỏi lặp lại vô nghĩa, không biết khởi đầu và duy trì hội thoại thì cha mẹ nên gợi ý từ hoặc chủ đề để trẻ nói, dạy đặt câu hỏi.
Giao tiếp với trẻ tự kỷ không có ngôn ngữ nói
Khoảng 50% trẻ không có ngôn ngữ nói, do đó phải dạy trẻ ký hiệu bằng tay, đầu kết hợp với điệu bộ, nét mặt...dạy bắt chước.Nên sử dụng hệ thống giao tiếp trao đổi bằng tranh bằng cách trẻ phải trao cho người dạy tranh ảnh của thứ mà trẻ muốn thì trẻ được đáp ứng ngay nhu cầu.
Bài 3. PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU HOÀ ĐA GIÁC QUAN
Cơ chế điều hoà đa giác quan: con người tiếp nhận thông tin qua 5 giác quan, hệ tiền đình và cảm giác tư thế (tự cảm). Các thông tin đầu vào từ các cơ quan cảm giác này sẽ vào tiểu não và hành tuỷ, tiếp theo các tín hiệu được gửi đến các vùng vỏ não khác nhau để xử lý. Từ đó con người mới có các chức năng về cảm giác, trí nhớ, nhận thức.
Nhưng ở trẻ tự kỷ không diễn giải các thông tin cảm giác đầu vào một cách chính xác do sự rối loạn phát triển thần kinh.
Việc kích thích tiểu não và hành tuỷ thông qua tác động vào cơ quan cảm giác là cơ sở để từng bước cải thiện nhận thức và hành vi của trẻ, từ đó có trẻ xử lý thông tin đúng, do vậy sẽ thích nghi được với môi trường. Muốn có hiệu quả trong việc điều trị cho trẻ tự kỷ phải áp dụng các hoạt động điều hoà đa giác quan.
Các hoạt động này bao gồm:
(1) Các hoạt động liên quan đến hệ tiền đình và vận động
Lăn tròn trên sàn nhà, lộn người về phía trước
Nhảy qua dây, ngồi xích đu, đu dây
Đi bộ, chạy, bơi lội
Các trò chơi xoay vòng tròn, nhún lắc hoặc đẩy ghế
Ngồi hoặc lăn mình trên bóng nhiều tư thế
Kéo đẩy, ném
Mang, vác, khoác ba lô
Bò, nhảy, trèo, lăn...
Trò chơi lao người
(2) Các hoạt động liên quan đến xúc giác
Chà xát lên da: sử dụng vải mềm, bàn chải...
Vuốt ve, tạo các k.thích nhẹ như kiến bò hoặc cù nách...
Chơi bột nặn, đất nặn
Vẽ bằng đầu ngón tay, chơi với cát, gạo, nướ
Đồ chơi bóp được, có tiếng kêu (chút chít, thú mềm...)
Sử dụng đồ vật: kéo cắt, sáp, bút màu, bàn chải, lược...
Xâu hạt, trò chơi xây dựng.
Mát-xa hoặc tạo cảm giác sâu trên bề mặt
Nhai, cắn, thổi mút
(3) Các hoạt động liên quan đến thính giác, thị giác
Điều chỉnh âm thanh, ánh sáng, màu sắc cho phù hợp, sau đó dần chuyển sang các cường độ khác.
(4)Cải thiện vị giác của trẻ: theo nhiều chuyên gia của Mỹ, Thụy điển, Úc thì trẻ không cần phải ăn kiêng sữa, bột mỳ. Chỉ kiêng những thức ăn gây cho trẻ dị ứng. Nên tập cho trẻ nhai thức ăn, cho ăn uống đa dạng. Nếu trẻ không thích một món ăn thì nên cho trẻ làm quen dần, ăn từng ít một, có xen kẽ với thức ăn trẻ vẫn ưa thích.
Bài 4. VAI TRÒ GIA ĐÌNH TRONG DẠY TRẺ
Vai trò gia đình trong phát hiện và can thiệp sớm
- Trong phát hiện sớm: cha mẹ gần nhất với trẻ nên có thể cảm nhận, quan sát, chăm sóc hàng ngày vì nắm được sự phát triển của con.
- Qua nhiều nguồn thông tin, cha mẹ sớm nhận ra bất thường ở trẻ nên sớm cho trẻ đi khám để được đánh giá, tư vấn và giúp đỡ.
- Trong can thiệp sớm: gia đình hiểu trẻ nhất, nhiều thời gian bên trẻ nhất nên dạy trẻ mọi nơi mọi lúc.
- Cha mẹ tham gia trực tiếp dạy trẻ trong can thiệp sớm, áp dụng những kỹ năng đã được tư vấn.
- Tìm sự hỗ trợ, nơi can thiệp hoặc dịch vụ phù hợp với điều kiện gia đình và dạy trẻ tiến bộ.
Những lưu ý khi cha mẹ dạy trẻ:
- Gây sự chú ý cho trẻ bằng nhiều cách khác nhau: tạo ra bất ngờ, nói nhấn mạnh hoặc thay đổi giọng nói, tạo âm thanh, gây chuyển động, sử dụng đồ chơi màu sắc, mới lạ…
- Gợi ý cho trẻ giao tiếp bằng những cách: tạo nhu cầu giao tiếp, tạo những tình huống để trẻ giao tiếp, cho trẻ cơ hội lựa chọn.
- Củng cố giao tiếp đúng bằng nhắc lại, khen, thưởng
- Dạy trẻ theo mức độ phát triển nhận thức và giai đoạn giao tiếp. Khi trẻ tiến bộ nên dạy mở rộng và tăng dần độ khó của chương trình.
- Cùng một đồ chơi nhưng nên chơi theo nhiều cách khác nhau
- Nên chờ đợi trẻ đáp ứng lại
- Luôn kiên trì trong dạy và chơi với trẻ
Nếu thấy trẻ đáp ứng phù hợp thích nghi thực tại chứng tỏ dạy trẻ có kết quả tốt.
- Vai trò gia đình có tính quyết định tiến bộ của trẻ, cha mẹ có kiến thức, kỹ năng, hiểu trẻ và phải dạy trẻ liên tục
Những lời khuyên cho cha mẹ có con bị tự kỷ
- Nhanh chóng vượt qua được “sốc” sau khi biết con bị tự kỷ, lấy lại tinh thần, chấp nhận thực tế.
- Điều chỉnh cuộc sống, sắp xếp việc nhà, phối hợp với các nhà chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm và kiến thức để dạy trẻ.
- Mua và tự làm đồ chơi, dụng cụ can thiệp
- Kiên trì, can thiệp mọi nơi, mọi lúc nếu có thể. Tránh chán nản, nôn nóng
- Bố trí môi trường sống có cấu trúc rõ ràng, ổn định, an toàn
- Thường xuyên cho trẻ đi khám, đánh giá theo định kỳ, phối hợp với các nhà chuyên môn để thiết lập chương trình phù hợp dạy trẻ.
- Không mặc cảm che dấu mà tích cực cho trẻ hoà nhập cộng đồng, thông báo cho người có liên quan về tình trạng của trẻ.
- Sinh hoạt nhóm cha mẹ tự kỷ để chia sẻ và đồng cảm.
ThS.Bs. Quách Thúy Minh