Bằng phương pháp nghiên cứu mô tả phân tích lâm sàng, có theo dõi dọc dài ngày, sử dụng các trắc nghiệm hỗ trợ chẩn đoán và đánh giá trên 80 bệnh nhi tuổi vị thành niên (10 – 19 tuổi), đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn trầm cảm theo ICD-10 và điều trị tại khoa Tâm thần – Bệnh viện Nhi Trung ương. Chúng tôi rút ra những kết luận sau:
Đặc điểm lâm sàng rối loạn trầm cảm ở trẻ vị thành niên
· Trong số trẻ VTN bị trầm cảm, tuổi 13-16 chiếm tỷ lệ cao (63,75%). Tuổi trung bình mắc bệnh là 14,15±1,74, nữ gặp nhiều hơn nam (1,16/1).
· Phần lớn trẻ được phát hiện chẩn đoán muộn: sau 6 tháng phát bệnh là 62,5%, sau 1 năm phát bệnh là 45%. Đã có 57,5% được khám, điều trị ở tuyến cơ sở nhưng nhầm lẫn chẩn đoán (với bệnh lý nội khoa 25%, động kinh 7,5%, rối loạn tâm thần 7,5%), vì vậy thường không hiệu quả, gây thiệt thòi cho bệnh nhi, tốn kém cho gia đình.
· Đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương: 55% vì các triệu chứng tâm thần và 63,75% bệnh khởi phát từ từ. ở giai đoạn toàn phát, các triệu chứng đặc trưng như giảm khí sắc, mất quan tâm thích thú, giảm năng lượng dễ mệt mỏi gặp trên 82%. Rối loạn giấc ngủ gặp 93,75%; giảm tập trung chú ý và giảm tự tin chiếm 90%; 42,5% số bệnh nhi có ý tưởng và hành vi tự sát. Các triệu chứng cơ thể của trầm cảm chiếm tỷ lệ cao (71,25%).
· Các rối loạn khác ở trẻ VTN bị trầm cảm nhiều nhất là rối loạn lo âu (63,75%), rối loạn hành vi (45%), rối loạn giao tiếp và ứng xử xã hội.
· Đã có 80% các trường hợp ảnh hưởng đến thành tích học tập.
· Các hình thái trầm cảm: giai đoạn trầm cảm chiếm tỷ lệ cao nhất (73,75%), tiếp đến là trầm cảm tái diễn 17,5%.
· Trầm cảm mức độ vừa là chủ yếu khi đến viện (61,25%), trầm cảm nặng chiếm tới 28,75%.
Tìm hiểu các yếu tố liên quan đến rối loạn trầm cảm
Các yếu tố cá nhân có liên quan đến rối loạn trầm cảm ở trẻ vị thành niên, bao gồm:
- Những trẻ có xu hướng tính cách hướng nội: sống khép kín, nội tâm, chi li, quá cẩn thận, cầu toàn… gặp nhiều hơn ở nhóm trẻ bị trầm cảm so với nhóm đối chứng có ý nghĩa thống kê (p<0,01).
- Tiền sử mắc các bệnh tâm thần, thần kinh, các bệnh cơ thể nặng, mạn tính làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm gấp 3,63 lần so với trẻ khỏe mạnh.
Các yếu tố gia đình, xã hội bao gồm:
- Tiền sử gia đình có người mắc các bệnh tâm thần làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm ở trẻ VTN gấp 4,98 lần so với trẻ VTN trong gia đình không có tiền sử này.
- Trẻ VTN trong gia đình có cấu trúc không hoàn thiện, thường có các xung đột, mâu thuẫn có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp 3,63 lần.
- Những thất bại, xung đột trong các mối quan hệ với bạn bè, người thân làm tăng nguy cơ bị trầm cảm ở trẻ VTN niên gấp 4,38 đến 8,08 lần so với những trẻ VTN không có các vấn đề này.
- Học tập căng thẳng, thất bại trong thi cử, chuyển môi trường học làm tăng nguy cơ bị trầm cảm ở trẻ VTN lên gấp 5 lần so với những trẻ khác.
Nhận xét về điều trị rối loạn trầm cảm ở trẻ vị thành niên tại Bệnh viện Nhi Trung ương
- Có 95% số bệnh nhi được sử dụng liệu pháp hóa dược, trong đó: thuốc chống trầm cảm 3 vòng được lựa chọn sử dụng nhiều nhất (78,75%), thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin mới được sử dụng ở 33,75% số trường hợp; 48,75% được phối hợp với các thuốc chỉnh khí sắc hoặc an thần kinh.
- Hiệu quả điều trị: Đánh giá ở thời điểm tối thiểu 6 tháng sau điều trị, có 85% các trường hợp đã cải thiện tình trạng bệnh; 63,75% cải thiện ở mức độ nhiều và rất nhiều.
TS. Cao Vũ Hùng