1. Đặc điểm tâm lý trẻ em ở giai đoạn vị thành niên
Đi kèm với những thay đổi về thể chất của trẻ vị thành niên (VTN) là sự thay đổi về tâm lý, xã hội cũng như sự phát triển nhân cách. Trẻ vị thành niên luôn luôn tìm hiểu và đánh giá các sự kiện, tình huống theo quan điểm của riêng mình, trẻ có khả năng trừu tượng, một hình thức tư duy mà trước đây chưa có.
Vị thành niên được dẫn dắt bởi một tư duy hoàn toàn mới mẻ, có khả năng thực hiện được tư duy trừu tượng hay hình thức, quá trình tư duy được tổ chức lại ở tầm cao hơn, tầm của người trưởng thành. Trước đây là trẻ em, tư duy theo lối các đồ vật và sự kiện cụ thể về cái đang tồn tại trước mắt. Bây giờ VTN có năng lực tư duy theo lối trừu tượng và tượng trưng, trẻ bắt đầu xây dựng một hệ thống và các lý thuyết để cắt nghĩa các sự kiện thay vì dễ dàng chấp nhận và mô tả như giai đoạn trước đó. Điều khác biệt chủ yếu về trí tuệ giữa trẻ em và VTN có thể là do VTN có năng lực tư duy theo giả thuyết. Một đặc điểm nữa, thanh thiếu niên nỗ lực đi tìm kiếm sự độc lập, tách khỏi sự kiểm soát của bố mẹ và các áp lực gia đình. Trẻ luôn khẳng định mình là một cá thể độc lập, tự mình điều khiển mình chứ không phải ai khác.
Với những biến đổi sinh học, nhận thức đã tạo nên sự mất cân bằng tạm thời về tâm lý, trong giai đoạn này trẻ có những thay đổi thường xuyên về tâm lý, tình cảm. Sự quan tâm quá mức về hình ảnh cơ thể, sự không hài lòng về một đặc điểm nào đó của cơ thể, sự bất bình trước các hiện tượng xã hội, căng thẳng trong học tập v.v... có thể gây stress tiêu cực cho trẻ, làm nảy sinh sự lo âu, trầm cảm và cả những ý nghĩ tự sát.
Với sự phát triển mang tính chất kịch tính cao của cơ quan sinh dục dẫn tới sự thức tỉnh và các ham muốn tình dục, song lại có các ràng buộc rất nghiêm ngặt chi phối ứng xử tình dục của người chưa thành niên. Mặc dù chín muồi về chức năng sinh lý song người chưa thành niên vẫn được xem là trẻ em về cảm xúc và xã hội. Vị thành niên cảm thấy sợ hãi và bối rối về những cảm nghĩ mới mẻ về giới tính trong khi chính bản thân và cả bố mẹ cho đó là “điều xấu xa”.
2. Phát triển về cảm xúc
Tuổi VTN là giai đoạn thích nghi khó khăn nhất trong cuộc sống, trước đó trẻ đã thích nghi và sống tương đối thoải mái trong thế giới người lớn. Cho đến khi có những biến động về mặt sinh học, cơ thể và sự chín muồi về giới tính, với “cuộc cách mạng sinh lý” trong các em và kéo theo sự phát triển tâm lý rất đặc thù. Trẻ VTN hình thành ý thức về tính đồng nhất của mình: Tôi là ai? Mình có thể làm gì? ở đâu thì thích hợp trong quan hệ với người khác? Trẻ cố gắng tách rời cha mẹ, người lớn về mặt tâm lý để khẳng định bản thân, vươn tới tự lập, muốn hành động như người lớn, và thích nhóm bạn. Trẻ khắc họa cho được tương lai của chính mình - Mình sẽ là gì ? thành người như thế nào?. ở vị thành niên nhân cách định hình nhưng chưa ổn định, trí tuệ phát triển tối đa, nhưng cảm xúc thì dao động, dễ bị tổn thương. Tâm trạng trẻ thường xuyên căng thẳng dễ xúc động, hoang mang, lo sợ, dễ trầm cảm. Hành động bốc đồng, dao động, lúc hăng hái lúc thì chán nản, xa lánh, dễ tập nhiễm các hành vi tiêu cực. Có thể nói đây là giai đoạn “thống khổ” và “đau đớn” cho cả VTN và cha mẹ.
Tuổi VTN là thời kỳ trẻ thử nghiệm hết những gì đã được học trước đó về việc thoả mãn các nhu cầu của mình. Giai đoạn này, trẻ cần sự hỗ trợ của người lớn, đặc biệt là bố mẹ về mặt tâm lý mong có được sự đồng cảm, để thoát khỏi tình trạng khủng hoảng trên. Quan trọng trong việc chăm sóc SKTT là cần thấu hiểu với tâm trạng trẻ, củng cố lòng tự trọng, tôn trọng tính độc lập của trẻ, nhưng cần có hướng dẫn khuyến khích mặt tích cực, tránh các yếu tố tiêu cực. Sự trung thực, bao dung, đồng cảm của bố mẹ thầy cô, bạn bè và những người xung quanh là vô cùng cần thiết để giúp cho trẻ độc lập trong đánh giá các giá trị chuẩn mực xã hội, củng cố nhân cách của một con người mang giới tính, bản sắc dân tộc, lao động có ích sau này. Mọi sự làm ngược lại, dù vô tình hay cố ý, làm tổn thương lòng tự trọng, giảm lòng tin là những stress lớn gây trầm cảm và hành vi lệch lạc mang tính chống đối thách thức như quấy phá, trốn học, bỏ nhà, trộm cắp, thô bạo đánh nhau, rượu chè, nghiện hút hoặc tự tử, khi trưởng thành không có năng lực và nhân cách lành mạnh để đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội.
3. Phát triển về xã hội
Cha mẹ, thầy cô giáo, những người lớn khác và bạn bè cùng lứa đều có ảnh hưởng lớn đến VTN. Thời kỳ này trẻ VTN thường có những sự tôn sùng hay xây dựng cho bản thân những mẫu thần tượng như các diễn viên, ca sĩ, người mẫu, cầu thủ nổi tiếng…
Đối với phần lớn VTN, bạn bè cùng lứa rất có ảnh hưởng, tuy nhiên ảnh hưởng ở mức nào còn tuỳ thuộc vào từng cá thể, tuỳ thuộc VTN nhìn nhận mình giống cha mẹ hay giống bạn bè nhiều hơn. Sự đồng nhất với bạn cùng nhóm được thể hiện thông qua cách ăn mặc, cử chỉ, cách nói năng, diện mạo và ứng xử. Vị thành niên ngày càng ít có thời gian ở nhà và càng dành nhiều thời gian với bạn bè. Bạn thường là bạn học vì nhà trường là nơi diễn ra nhiều nhất các tác động qua lại về mặt xã hội đối với trẻ, nhóm bạn này có thể gồm các thành viên cùng giới hay hỗn hợp, có thể có các nhóm bạn thân thiết hơn. Thông qua các mối quan hệ mang tính xã hội này mà VTN hiểu biết rõ hơn về bản thân và những người khác. Nhóm bạn này mang lại cho VTN một tính đồng nhất nhóm, tạo ra các cơ hội để tự khẳng định, nhận được sự cổ vũ và chia sẻ từ bạn vì nhóm bạn này cũng có những đặc điểm giống mình mà không giống người lớn khác và không giống cha mẹ. Mối quan hệ này là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển ý thức về tính đồng nhất, chúng thường là các quan hệ cùng giới, và thường thì hai người xây dựng một tính đồng nhất chung về sức mạnh và tính an toàn, VTN thường phóng chiếu bản thân và trải nghiệm trong các mối quan hệ này. Thông thường các nam thanh niên được một vài bạn thân giúp đỡ trong việc giải quyết các khó khăn, mâu thuẫn và hung hãn, còn các nữ VTN thì được bạn nữ chia sẻ và làm dịu những cảm xúc và xử lý các mối quan hệ với người khác.
Trước tuổi VTN, nam nữ thường rất không ưa nhau và cố tránh bất cứ điều gì phải cùng làm với người khác giới. Đến tuổi dậy thì bắt đầu có chuyện để ý vụng trộm, liếc nhìn nếu người kia không để ý, trêu chọc bạn khác giới. Sau đó là các hoạt động nhóm, hẹn hò nhóm, hẹn hò vài người và hẹn hò từng cặp (nam- nữ). Tuy nhiên hẹn hò giai đoạn này mang tính chất quan hệ xã hội hơn là ve vãn, tỏ tình, nó kích thích sự phát triển ý thức về tính đồng nhất của người VTN. Vị thành niên có được kinh nghiệm đáng kể với người khác giới trước khi lựa chọn một người bạn đời. Thật nguy hiểm nếu có các quan hệ tình dục trước khi có đủ ý thức về sự riêng tư, điều này có thể khiến VTN rơi vào tâm trạng lo hãi và cảm thấy tội lỗi.
Theo điều tra Quốc gia năm 2003 ở Việt Nam chỉ có 9,9% thanh thiếu niên 14-17 tuổi cho biết họ đã có người yêu, tỷ lệ này tăng lên đáng kể ở lứa tuổi 18 – 21(42,2%).
Việc kết hôn quá sớm ở VTN gây ra rất nhiều vấn đề, vì VTN chưa phát triển đầy đủ ý thức về tính đồng nhất của mình do vậy không có đủ khả năng hiểu những ý nghĩ và tình cảm của người khác để giữ vững các mối quan hệ lâu dài cũng như khó có thể đối phó với các stress trong cuộc sống.
Một điều quan trọng trong quá trình lớn lên về xã hội ở VTN là phát triển năng lực tự quản và ý thức trách nhiệm. Họ cần trải qua những cảm nghĩ về sự thoả đáng và hoàn thành các công việc ở nhà, ở trường học. VTN sẽ xây dựng các tiêu chuẩn về sự hoàn thành nhiệm vụ phù hợp với kỳ vọng của mình, cha mẹ và người lớn muốn trẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ thì cần phải tôn trọng, tin tưởng và trao cho vị thành niên cơ hội để hoàn thành nhiệm vụ theo cách riêng.
Sự phát triển năng lực tự quản bao gồm khả năng đánh giá và hành động đạo đức. VTN hình thành ý thức đạo đức về sự công bằng từ các kinh nghiệm mình gặt hái được qua trải nghiệm và học tập.
TS. Cao Vũ Hùng