• 25/06/2014
  • Cao Vũ Hùng
  • 97252 lượt xem

Trẻ em là những cá thể riêng biệt với những đặc điểm sinh học, tâm lý khác nhau sống trong môi trường gia đình, xã hội khác nhau nên mỗi em có những đặc điểm riêng, nhưng đều theo một quy luật chung là ngày một thành thục về vận động và trưởng thành về tâm lý. Để đánh giá sự phát triển của trẻ em không thể chỉ căn cứ vào sự phát triển thể chất mà còn phải xem xét về sự phát triển tâm thần vận động (tâm lý) của trẻ.

Quá trình phát triển tâm lý theo các giai đoạn khác nhau với những đặc thù riêng ở từng giai đoạn. Nếu ở giai đoạn trước trẻ không phát triển bình thường sẽ ảnh hưởng đến giai đoạn sau.

Sự phát triển này do nhiều yếu tố ảnh hưởng:

- Sự hoàn thiện và phát triển của não

- Sự toàn vẹn của 5 giác quan ( nghe, nhìn, ngửi, nếm, sờ mó)

- Sự giáo dục của gia đình – nhà trường – xã hội.

Dựa trên cơ sở các đặc điểm của sự phát triển vận động, cảm giác, ngôn ngữ, tư duy, quan hệ cá nhân – xã hội và các hoạt động chủ đạo khác mà chia quá trình phát triển tâm lý trẻ em thành các giai đoạn sau:

1. Từ   0- 15 tháng tuổi : tuổi nhũ nhi ( tuổi bế bồng)

2. Từ 15 tháng – 3 tuổi : Tuổi nhà trẻ

3. Từ 3 – 6 tuổi: Tuổi mẫu giáo

4. Từ 6 – 10 tuổi: Tuổi thiếu niên

5. Từ 10 – 19 tuổi: Tuổi vị thành niên.

1. Giai đoạn từ 0 – 15 tháng: tuổi nhũ nhi (tuổi bế bồng)

Trong giai đoạn này trẻ gắn bó hoà mình với mẹ, quan hệ mẹ con là quan hệ ruột thịt thông qua sự tiếp xúc trực tiếp giữa mẹ và con ( mẹ ôm ấp, bế bồng và cho con bú ). Mọi nhu cầu của trẻ đều do mẹ và người lớn đáp ứng và thoả mãn.

Sơ sinh - 1 tháng tuổi:

Khi trẻ vừa sinh ra đời có sự thay đổi môi trường sống từ môi trường ổn định (trong bụng mẹ) chuyển sang môi trường mới có nhiều biến đổi ( nhiệt độ, ánh sáng, tiếng ồn ....). Do bộ não và hệ thần kinh còn chưa phát triển nên mọi hoạt động của trẻ đều theo bản năng.

Trẻ có một số phản xạ bẩm sinh quan trọng như: bú, mút, nuốt, nắm bàn tay, phản xạ Moro. Trương lực cơ tăng ở các chi. Trẻ có những vận động tự phát; trẻ nhận biết mùi của mẹ. Khi 3 tuần tuổi trẻ biết đưa mắt nhìn vật di động.

Trẻ 1-3 tháng tuổi:

Vận động thô: Trẻ có thể lật từ ngửa sang nghiêng hoặc lật sấp, nâng đầu cao khi nằm sấp.

Vận động tinh tế: Giữ đồ vật trong tay, có thể đưa vật vào miệng.

Ngôn ngữ:  Phát âm ra những âm họng nhỏ thành tiếng líu lo.

Quan hệ cá nhân-xã hội: Nhìn theo vật chuyển động, biết quay đầu nghe tiếng động. 1-2 tháng biết mỉm cười khi nhìn thấy mặt người “ Nụ cười xã hội “, 3 tháng biết hóng chuyện.

Trẻ 4-6 tháng tuổi:

Vận động thô: Trẻ lẫy từ ngửa sang sấp và ngược lại. Nâng đầu được lên khi nằm sấp, trườn người ra phía trước, có thể đứng nếu có người giữ .

Vận động tinh tế: Có thể với tay cầm nắm đồ vật

Ngôn ngữ: có thể bập bẹ các âm đơn như a, u, ư..., cười giòn thành tiếng

Quan hệ cá nhân – xã hội: Trẻ bắt đầu chơi đồ chơi gây tiếng động, thích chơi với bàn tay, biết quan sát và biểu lộ cảm xúc vui đùa với mọi người, ham thích môi trường xung quanh.

Trẻ từ 7 – 9 tháng tuổi:

Vận động thô: Tự ngồi vững, tập bò và bò được, có thể đứng vịn.

Vận động tinh tế: Cầm hai vật đập vào nhau, chuyền tay một vật, có thể nhặt vật nhỏ bằng ngón tay cái và một ngón khác.

Ngôn ngữ: Nói được  ma ma, ba ba, măm măm...., biết quay đầu về phía có tiếng nói.

Quan hệ cá nhân – xã hội: Biết chơi “ ú oà”, vẫy tay chào, hoan hô, phân biệt lạ quen, biết theo mẹ, tìm đồ chơi khi bị giấu, biết vui đùa, sợ hãi.

 Trẻ 10 – 12 tháng tuổi:

Vận động thô:  Trẻ tập đứng rồi đứng vững, tập đi, đi được vài bước.

Vận động tinh tế:  Nhặt vật nhỏ bằng 2 đầu ngón tay.

Ngôn ngữ: hiểu được từ trước nói được một vài từ, hiểu câu đơn giản.

Quan hệ cá nhân – xã hội: Chỉ tay vào vật trẻ muốn, lặp lại một số hành động để gây sự chú ý của mọi người; thực hiện một số yêu cầu đơn giản như “giơ tay “, “ chào “...

 Trẻ 13 – 15 tháng tuổi:

Vận động thô: Đi vững, đi nhanh, tập bước lên bậc cầu thang.

Vận động tinh tế: Sử dụng các ngón tay dễ dàng, tự cầm bánh ăn, vẽ nguệch ngoạc, xếp 2 khối vuông thành tháp, biết dốc hạt ra khỏi lọ.

Ngôn ngữ:  Có thể nói được một số từ dễ gọi như bà, mẹ ..., biết yêu cầu khi muốn.

Quan hệ cá nhân – xã hội:  Bắt chước làm một số việc đơn giản như lau rửa, chỉ được các bộ phận trên cơ thể, thể hiện vui mừng, giận dỗi, sợ hãi.....

Nhận biết ở tuổi nhũ nhi: 

Trẻ sơ sinh biết la khóc khi bị đói, ướt, khó chịu…, khứu giác nhay bén nhận biết được mùi của mẹ; bộ phận tếp xúc chủ yếu là môi miệng.Từ 2-3 tháng sau thời kỳ phản xạ bẩm sinh, trẻ bắt đầu nhận ra cơ thể mình, chơi với bàn tay thấy thích thú, làm lặp lại. Từ 4-5 tháng trở đi trẻ bắt đầu chơi với đồ vật, gây tiếng động, thích thú với màu sắc. Khi trẻ 7-8 tháng biết tìm đồ chơi khi bị giấu đi. Đến 12 tháng trẻ bắt đầu có biểu tượng trong đầu ( có thể hiểu được mối liên hệ giữa ngôn ngữ và sự vật), biết bắt chước. 12-15 tháng biết giở sách ra xem. Trẻ bắt đầu nhận biết thế giới xung quanh thông qua sự phối hợp của vận động và cảm giác ( trí khôn “ giác động “ ).

2. Giai đoạn 15-36 tháng (tuổi nhà trẻ)

Do trẻ đi vững, đứng thẳng, tầm nhìn xa, giải phóng đôi tay nên trẻ bắt đầu sử dụng những công cụ thông thường; do biết nói nên đã có những biểu tượng trong đầu.

Vận động thô: Chạy nhanh, lên xuống cầu thang được, ném bóng cao tay, đá bóng;  xếp 4 khối vuông thành tháp.

Vận động tinh tế: Sử dụng ngón cái và ngón trỏ, tự xúc ăn, cầm chén uống, cài cúc áo, đi tất, có thể tập múa được.

Ngôn ngữ:  24 tháng trẻ nói được câu ngắn 2-3 từ. Vốn từ tăng, biết dùng lời nói để thể hiện ý muốn. 3 tuổi, trẻ có thể hát được bài hát ngắn.

Quan hệ cá nhân – xã hội:  Do trẻ biết đi, biết nói nên muốn tự mình tìm hiểu thế giới xung quanh. Trẻ cai sữa, dần tách mẹ, muốn tự khẳng định bản thân. Đến 18 tháng trẻ biết nói “ không “ khi không thích và bướng bỉnh. Biết kỷ luật vệ sinh. Do vận động của trẻ còn vụng về nên dễ làm đổ vỡ sinh ra mâu thuẫn với người lớn ( khủng hoảng đối lập của tuổi lên 3)

Nhận biết: Trẻ có thể cầm bút vẽ nguệch ngoạc, có thể bắt chước một số động tác của người lớn. Trí khôn “ giác động “ vẫn là chủ yếu nhưng bắt đầu  xuất hiện khả năng trực giác toàn bộ ( nhận ra một số vật dùng quen thuộc dù mới chỉ nhớ một vài chi tiết của vật đó).

3. Giai đoạn 3-6 tuổi (tuổi mẫu giáo)

Trẻ 3- 4 tuổi

Do sự myelin hoá của hệ thần kinh phát triển nhanh nên phối hợp vận động tốt hơn, các giác quan ngày một nhạy bén và tinh tế. Trên cơ sở đó tạo sự quan sát có mục đích hơn và dẫn tới nhiều thay đổi. Đây là tuổi ngây thơ, là tuổi “ học ăn, học nói, học gói, học mở “.

Vận động thô: Đứng bằng 1 chân vài giây, nhảy tại chỗ, nhảy qua vật cản thấp, đạp xe ba bánh. Trẻ gái thích múa, trẻ trai thích tập võ.

Vận động tinh tế: Sử dụng các ngón tay dễ dàng, thích vẽ, vẽ được vòng tròn, xếp tháp bằng 6-8 khối gỗ.

Ngôn ngữ:  Vốn từ tăng nhanh, nói nhiều, nói câu dài và câu phức tạp hơn. Thích hát, đọc được bài thơ ngắn.

Quan hệ cá nhân – xã hội: Nhận biết mình là trai hay gái; biết chơi với trẻ khác, tự mặc và cởi quần áo, dễ tách mẹ; nói được họ tên, hỏi nhiều câu hỏi. Hay bắt chước hành vi của người lớn. Trẻ lấy mình làm trung tâm, chỉ biết đến mình ( tư duy duy kỷ). Cảm xúc thể hiện hồn nhiên, mọi hành động chịu sự chi phối của tình cảm ( ví dụ: quý ai trẻ hướng về người đó).

Nhận biết:  Khả năng trực giác toàn bộ phát triển mạnh hơn. Trẻ thường nhận mọi thứ trẻ thích là của trẻ nên hay lấy các thứ đó ( vì thế không nên qui cho trẻ là “ lấy cắp” ). Tư duy gắn liền với tình cảm và các ý muốn chủ quan. Tư duy ma thuật ( cho rằng mọi vật có hồn), không phân biệt được giữa thực và hư ( tin vào chuyện cổ tích thần tiên là có thật). Trí tưởng tượng phong phú nên có thể bịa chuyện, “ nói dối” vô thức. Sự tập trung chú ý cao khó di chuyển. Hay thắc mắc hỏi vì sao ? tại sao ?

Trẻ 5-6 tuổi

Vận động thô: Đứng bằng 1 chân trong 10 giây, nhảy lò cò, đi nối gót, đi giật lùi, khả năng thăng bằng tốt.

Vận động tinh tế: Vận động khéo léo, biết sử dụng các công cụ thông thường ( cầm dao kéo, buộc dây ...); thuận phải trái, vẽ hình vuông, tô màu, vẽ hình người 3 bộ phận; biết tập viết.

Ngôn ngữ: Vốn từ tăng đến vài nghìn từ, nói mạch lạc có hình ảnh, có thể định nghĩa, giải thích sự việc để trao đổi thông tin; thích nghe kể chuyện và kể lại được.

Quan hệ cá nhân – xã hội: Biết chơi với bạn nhưng chưa có bạn thân. Trẻ thích chơi những trò chơi theo chủ đề mang tính xã hội ( chơi làm mẹ – con, mua bán, khám bác sỹ ....). Tự mặc đúng quần áo; tự tắm và vệ sinh. Bắt đầu biết tự kiểm chế hành vi cảm xúc, biết nhường nhịn người khác do đã “biết mình, biết người” để được mọi người yêu thương ( tư duy hết duy kỷ ). Có ý thức trách nhiệm bản thân.

Nhận biết: Trẻ ít hỏi hơn so với trẻ 3-4 tuổi và thích tự tìm hiểu bằng quan sát; nhận biết nhiều màu; nhận biết hình dạng và cấu tạo của đồ vật; hiểu đối lập; nhận biết được mặt chữ cái, chữ số. Định hướng được thời gian, không gian, bản thân.  Nhận ra tính tương đối và nguyên nhân của sự việc. Bắt đầu có sự phân tích tổng hợp. Phân biệt được giữa thực và hư.

4. Giai đoạn 6-10 tuổi (tuổi thiếu niên)

Trẻ 6 tuổi vào học lớp 1 là bước ngoặt quan trọng , phạm vi tiếp xúc của trẻ được mở rộng, tư duy biết “ suy đi nghĩ lại “, xây dựng những nếp sống, thói quen.

Vận động:  Đã thuần thục.

Ngôn ngữ:  Phong phú.

Trí tuệ: Tư duy mang tính chất cụ thể. Bắt đầu tiếp thu được kiến thức trừu tượng; biết phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu, kiểm tra.

Quan hệ xã hội: Khi mới vào lớp 1 do thay đổi môi trường ( bạn mới, thầy cô mới, kỷ luật học tập, các môn học mới.....) trẻ gặp khó khăn nhất định trong việc thích nghi với trường học “ cửa ải lớp 1 “. Trẻ gắn bó với bạn, có thể nhóm trai/ gái riêng biệt, thích ttham gia sinh hoạt tập thể; tôn sùng thầy cô giáo. Hình thành tính chăm chỉ, ham học, học các kiến thức kỹ năng hành động đặc trưng cho người lớn. Đến 10 – 11 tuổi trẻ hay e thẹn với người khác giới. Giai đoạn này cần động viên khuyến khích trẻ tính tự tin, tạo sự hứng thú trong học tập, thích nghi với môi trường học đường. Trẻ nhận ra những quy tắc chuẩn mực đạo đức xã hội và tuân theo.

5. Giai đoạn 10-19 tuổi (tuổi vị thành niên)

Trong giai đoạn này có sự myelin hoá hoàn toàn các dây thần kinh và bộ não phát triển hoàn chỉnh. Những biến động sinh học về cơ thể và chín muồi về giới tính kéo theo sự phát triển tâm lý rất đặc thù.

Trí tuệ: Có tư duy trừu tượng, lô gíc, khái quát hoá; khả năng nhập tâm cao; biết phân tích lý luận chặt chẽ.

Quan hệ cá nhân xã hội: Duy kỷ trở lại, cho là mình hiểu biết; quan tâm đến bề ngoài cơ thể mình. Trẻ kết bạn thân. Thích tụ tập bạn bè, lập băng nhóm. Vai trò bạn/nhóm tác động lớn đến suy nghĩ và hành vi của trẻ. Hướng ra khác giới. Thích thử cái mới, nhiều ham muốn, dễ nhiễm những tiêu cực của xã hội hoặc không tập trung vào học tập. Có ý thức về bản thân: Tôi là ai, tôi sẽ thành người thế nào. Suy nghĩ về tương lai nghề nghiệp. Cố tách khỏi người lớn để khẳng định bản thân. Nhân cách người lớn định hình nhưng chưa ổn định.  Cảm xúc dễ dao động, lúc hưng phấn vui vẻ, lúc chán nản thất vọng. Trẻ cần sự hỗ trợ, đồng cảm, bao dung của bố mẹ, thầy cô, bạn bè, nhằm củng cố nhân cách lành mạnh và hình thành những năng lực để trở thành người lao động có ích cho xã hội, có cuộc sống tinh thần phong phú hài hoà.

Tin bài khác

Cơn khóc lặng ở trẻ em

Cơn khóc lặng có thể xuất hiện ở trẻ 6 tháng tới 6 tuổi và hay gặp nhất ở trẻ 1-3 tuổi. Khoảng 5% trẻ em có thể rơi vào tình trạng này. Cơn t...

Nhiễm độc chì ở trẻ em

Ngộ độc chì tương đối phổ biến ở trẻ em. Có thể nhiễm chì trong không khí bụi, trong đất, có trong sơn, đồ chơi bằng chì, hít phải khói...

Phát triển thể chất ở trẻ em

Trẻ em là những cá thể liên tục phát triển do sự lớn lên và hoàn thiện chức năng của các cơ quan và hệ thống cơ thể. Đánh gi&aacu...

Các rối loạn vận động ở trẻ em

Rối loạn vận động tức rối loạn chức năng của hệ thống ngoại tháp (nhân xám trung ương, hạch đáy). Đường ngoại tháp hay đường dưới vỏ gai. Các nơron của đườn...

Đánh giá hiệu quả cắt cơn co giật bằng thụt hậu môn Diazepam

Co giật là một trong những cấp cứu thần kinh thường gặp. Nếu không xử trí kịp thời và hiệu quả cơn co giật có thể để lại các di chứng não do tì...

Gia đình nên thống nhất cách dạy trẻ

Hiện nay hầu hết mỗi gia đình thường chỉ có 1-2 con và cả nhà thường cùng quan tâm đến trẻ. Nhiều trẻ được chiều chuộng thái quá sinh ra c&oac...

Video
Bạn không có nhiều thời gian để theo dỗi bài mới. Điền email vào form bên dưới để nhận những bài viết mới từ website vào hộp thư của bạn
Đăng ký
phòng khám